THƯ TÒA SOẠN DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN SỐ 60 - THÁNG 11-2006

Tháng 11 là tháng Các Linh Hồn. Cùng với hơn một tỷ tín hữu Công giáo năm châu, nói riêng GHCGVN, chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất, trong đó có cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người đã khai sáng nền Cộng Hòa Việt Nam, từng bị những phản tướng và người Mỹ sát hại trong biến cố 01-11-63 Độc giả sẽ có dịp đọc bài “Từ Vinh Quang đến Tử Nạn” của nhà biên khảo Minh Võ kèm theo những phát giác mới của ông Nguyễn Văn Ngân, nguyên phụ tá đặc biệt về chính trị của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, qua cuộc phỏng vấn dành độc quyền cho nhà văn Trần Phong Vũ mới đây, về những bí ẩn chung quanh vụ sát haị cố Tổng Thống Diệm. Theo ông Ngân thì đây là một tội ác lịch sử.

Trên DĐGD số này, độc giả cũng có dịp theo dõi Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân “Ngày Thế Giới Truyền Giáo thứ 80/2006”. Ngài nhấn mạnh “Đức Bác ái là Linh Hồn của Truyền Giáo”. Người tín hữu Công giáo Việt nam hiểu gì về lời nhắn nhủ này trong khi theo chân Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng? Ý tưởng thác ngụ của người cầm đầu thế giới Công giáo hẳn sẽ giúp cho những người ngoài Công giáo, cách riêng Hồi giáo, hiểu được thiện chí của ngài qua bài thuyết giảng tại Đại học Ratisbonne, Đức Quốc gần đây

Bài viết của giáo sư Đỗ Mạnh Tri nhân đọc bài thuyết giảng này của ĐTC cũng giúp người tín hữu Việt Nam nắm bắt được điều ngài muốn nhấn mạnh. Sau khi cố gắng đào sâu những suy tư của ĐTC, trong lời kết tác giả viết: “trả lại cho lý trí/logo tất cả mọi chiều kích, tất cả chân trời mênh mông của lý trí, đó chính là lời mời gọi thâm sâu của Bênêđictô XVI” Từ nhận định này, phải chăng người viết đã gián tiếp lý giải cho tính hời hợt, phi lý qua phản ứng sắt máu gần đây phát hiện trong thiểu số thế giới Hồi Giáo? Về vấn đề này, mời độc giả đọc thêm bài viết của nhà báo Mặc Giáo trong mục Viết Từ Canada

Tâm sự thống thiết cùng những lời gửi gấm thắm đượm chân tình của đức cha Nguyễn Quang Tuyến, Giám Mục giáo phận Bắc Ninh trước khi được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian, rất đáng được mọi tín hữu Công giáo –từ hàng Giáo phẩm tới giáo dân- đọc và suy gẫm. Trong lời trăn trối gửi các linh mục giáo phận, đức cha viết:

“Các anh em linh mục quí mến, Xin cám ơn anh em đã cộng tác với tôi trong sứ mạng chung. Chúng ta đã cùng nhau trải qua bao khó khăn, thử thách, Điều tôi tha thiết là xin anh em đoàn kết với nhau. Giáo phận chúng ta trải rộng trên nhiều tỉnh, anh em đến từ nhiều nơi rồi lại đi phục vụ ở nhiều nơi. Nhưng chỉ có một Chúa Kitô, một Hội Thánh, và chúng ta có chung một người Mẹ là giáo phận.Công việc của anh em nặng nề và khó khăn, anh em hãy vác thánh giá đỡ cho nhau... Anh em cần giữ vững tinh thần hiệp nhất trong các xứ họ, đừng để những chia rẽ làm đoàn chiên suy yếu hay tan rã. Muốn được như vậy, anh em hãy siêng năng cầu nguyện và hãy sống nghèo khó, khiêm nhường…... Xin nhắc lại với anh em lời nhắn nhủ của thánh Phaolô: ‘Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc’ –Cv 20,28- Trong những ngày chữa bệnh ở Hoa Kỳ, tôi thường ra đứng ở bờ Thái Bình Dương bên này mà da diết nhớ thương quê hương, giáo phận...Trong Chúa, chúng ta đang gần nhau hơn bao giờ hết”

Một đề tài quan trọng và nhạy cảm khác là bài tham luận mang tiêu đề “Tương quan phức tạp giữa Công giáo và Nhà Nước Việt Nam” do linh mục Nguyễn Thái Hợp, O.P trình bày mới đây trong buổi tọa đàm về “Công Giáo với Dân Tộc: Xua và Nay”, cũng được khởi đăng trên Diễn Đàn Giáo Dân số này. Đây là một bài viết rất cần được tất cả mọi người đọc và suy nghĩ để tìm cho mình một câu trả lời: trên cương vị người Công giáo, chúng ta nghĩ gì và phải làm gì cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam trong lúc này?

Một sự kiện bất thường diễn ra trong tháng 10 vừa qua liên quan tới những người làm truyền thông Công Giáo là sự kiện linh mục Trần Công Nghị, chủ nhân mạng lưới VietCatholic News mở cuộc vận động thiết lập tổ chức gọi là “Truyền Thông Công Giáo”. Ai cũng nhìn thấy sự thât bại của linh mục Nghị trong cuộc vận động này vì cho đến nay chỉ có một thiểu số vỏn vẹn  8 giáo sĩ hưởng tứng, trong khi tất cả các cơ quan truyền thông do các linh mục Dòng cũng như của giáo dân chủ trương đều mặc nhiên tẩy chay. Vì lý do bất đắc dĩ, trong dịp này, nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân đã chính thức đưa ra một bản Nhận Định và đã được đăng trên Diễn Đàn số này sau khi gửi tới hàng giáo phẩm, giáo sĩ trong và ngoài nước. Nội dung bản Nhận Định nêu rõ những ẩn ý và mưu định độc quyền làm truyền thông của người chủ xướng cuộc vận động, đồng thời xác định quan điểm của tờ báo chung của chúng ta đối với việc làm sai trái này. Chúng tôi tha thiết mong nhận được những ý kiến đóng góp của thức giả và độc giả đối với vấn đề quan trọng kể trên.

 

Nhìn về tình hình quốc nội, chúng ta ghi nhận những sự kiện đáng chú ý sau đây:

Trước hết, là sự ra đời của Liên Minh các Lực Lượng Dân Tộc đấu tranh vì Dân Chủ, Tự Do và Nhân Quyền cho Việt Nam (Gọi tắt là Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam). Sau những vận động, nối kết, một bản Tuyên Bố thành lập Liên Minh đã được chính thức công bố hôm 16-10-2006. Đây là một sự kiện hết sức quan trọng. Nó đánh dấu một khúc rẽ quyết định cho tương lại đất nước chúng ta.

Thứ đến là sự xuất hiện công khai một nghiệp đoàn tư nhân của giới lao động trong nước, trong khi những người đấu tranh cho dân chủ càng ngày càng gia tăng.

Sau hết là mặc dầu đang ở thời gian tìm hết cách để tô vẽ cho chế độ một bộ mặt coi được trước khi khai diễn hội nghị APEC cùng với nỗ lực vận động gia nhập WTO, nhưng vì lo sợ phong trào lên tiếng dành quyền tự do dân chủ của đồng bào ngày một lên cao, đảng và nhà nước CS đã ra lệnh ngầm cho công an mở chiến dịch khủng bố khắp nơi và lần đầu tiên người ta ghi nhận là chế độ đã ra mặt đàn áp những người trẻ gia nhập khối 8406. Sự kiện này chắc chắn sẽ góp phần củng cố thêm cho sự lớn mạnh của khối 8406, bởi lẽ kinh nghiệm qua khứ cho thấy: một phong trào đấu tranh cách mạng càng gặp sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù bao nhiêu thì sức bật của nó lại càng mạnh bấy nhiêu.

 

DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN