THƯ TÒA SOẠN DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN SỐ 65 - THÁNG 04-2007

 

Khi Diễn Đàn Giáo Dân số này đến tay độc giả, thì chúng ta đã bước vào tháng Tư năm 2007, thời điểm ghi dấu hai biến cố quan trọng. Đối với dân tộc Việt nam, cách riêng với người công dân Công giáo, tháng Tư nhắc nhở ngày toàn thể lãnh thổ Việt Nam bị áp đặt dưới sự thống trị hà khắc của chế độ cộng sản độc tài, độc đảng. Với Giáo hội Công giáo hoàn vũ, nó gợi nhắc huý nhật thứ hai của cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vĩ nhân của thời đại và là người ơn của nhân loại nhờ những đóng góp tích cực của Ngài trong việc làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản quốc tế tạI Đông Âu và Liên Xô ngót hai thập niên trước.

Trong nỗ lực bám sát những đòi hỏi của độc giả để tờ báo luôn xứng đáng là tiếng nói của những đồng bào, đồng đạo không có tiếng nói trên quê hương, kể từ số này, DĐGD bắt đầu đi vào một khúc quanh mới. Trước những biến cố nghiêm trọng gần đây, những biến cố mang tính quyết định đối với tương lai Giáo Hội và Dân Tộc, được sự đồng thuận của Cha Giáo Giuse Cao Phương Kỷ, Cố vấn và cũng là Linh hướng của nhóm chủ trương nguyệt san, chúng tôi thấy đã đến lúc mọi dè dặt, tránh né không còn chỗ đứng trong tim óc những tín hữu hằng ôm ấp lý tưởng dấn thân cho Tin Mừng của Chúa hôm nay.

Quý độc giả sẽ bắt gặp nhiều bài viết nặng tinh thần phê phán về những hiện tượng mang tính thỏa hiệp với những thế lực của sự ác trong lòng Giáo hội Công giáo xuất phát từ bất cứ cá nhân hay tập thể nào, kể cả trong hàng ngũ lãnh đạo. Điều cần nói ngay để tránh ngộ nhận: mọi phê phán ở đây đều được gạn lọc qua con tim, khối óc và thiện chí của Con Cái Chúa. Nó nhắm tới cứu cánh cao cả và duy nhất là phục vụ lợi ích của Giáo hội Chúa ở trần gian.

Mời độc giả theo dõi một số bài viết của quý linh mục và những cây bút giáo dân trên nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân số 65 này. Đây là những công trình tim óc mang tinh thần khai phá để mở đầu cho những đóng góp tích cực của tờ báo chung của chúng ta trong nỗ lực gạn đục khơi trong nhằm đem lại những phúc lợi thiết thực cho Giáo hội và Quê hương trong giai đoạn cực kỳ khó klhăn và phức tạp hiện nay.

Qua những suy tư sâu sắc của linh mục Đinh Xuân Long khi trả lời cuộc phỏng vấn của cơ quan thông tấn VNN, quý vị sẽ tìm được những giải đáp cơ bản về vai trò của nhóm linh mục "quốc doanh" và từ đấy nhận ra những di hại của nhóm này đối với hàng giáo phẩm trong nước. Quan điểm của giáo sư Đỗ Mạnh Tri trong cuộc trao đổi với phái viên Nguyễn Khanh của đài Á Châu Tự Do cung ứng cho chúng ta những suy tư về hệ quả xa gần cũng như mức độ lạc quan và bi quan chừng mực hàm ẩn trong viễn tượng bang giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam sau khi TT/VNCS Nguyễn Tấn Dũng qua yết kiến ĐTC Bêbêđictô XVI tiếp theo là những cuộc thương thảo giữa phái đoàn Tòa Thánh với nhà cầm quyền Hànội.

Những tư tưởng lắng đọng gói ghém trong bài chia sẻ Phúc Âm của linh mục Đỗ Văn Lực liên hệ tới ‘Ba Cơn Cám Dỗ’ của Chúa Giêsu với tiêu đề "Hạnh Phúc Trong Tầm Tay" đã đặt ra cho người tín hữu giáo dân, bao gồm cả hàng ngũ lãnh đạo trong Giáo hội những chọn lựa quyết liệt về một lối sống niềm tin và làm chứng niềm tin dứt khoát không cậy dựa hay thỏa hiệp với những quyền lực thế gian mà phải luôn bám víu vào sức mạnh siêu nhiên nơi Thiên Chúa.

Hai biến cố lớn xảy ra gần đây trong Giáo hội quê nhà đã được các tác giả Duyên Lãng Hà Tiến Nhất, Nguyễn Tiến Cảnh và Hoàng Quý trình bày và mổ xẻ cặn kẽ. Đó là trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý, một tù nhân lương tâm đã ra tù vào khám nhiều phen lại vừa bị cà trăm công an vũ trang nhà nước tới bao vây tòa TGM Huế nơi ngài đang bị giam lỏng để đem đi cô lập tại Bến Củi một giáo họ cách xa Huế khoảng 30 cây số. Và ngày 30-3, nhà cầm quyền cộng sản sẽ đưa ngài ra tòa dùng luật rừng để xét xử.

Biến cố thứ hai là chưa đầy một tuần sau khi Nguyễn tấn Dũng qua Vatican triều yết ĐTC, nhà cầm quyền cộng sản địa phương đã đem tay chân tới dùng xà beng dập nát Thánh Tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu tại Đồng Đinh, Nho Quan thuộc địa phận Phát Diệm.Bàng bạc trong những bài viết này, các tác giả đã không ngần ngại lên tiếng phê phán thái độ im lặng khó hiểu của hàng giáo phẩm trong nước, nhất là những vị có trách nhiệm trực tiếp đối với những biến cố quan trọng này. Tiếng nói của những cây bút kể trên không chỉ nói lên những suy tư của riêng mình. Qua những thao thức của đám đông quần chúng bộc lộ trong những buổi họp báo và đềm thắp nến cầu nguyện cho linh mục Nguyễn Văn Lý cho giáo dân Phát Diệm nhân vụ cộng sản đấp phá thánh Tượng Đức Mẹ do Phong Trào Giáo Dân Việt Nam hải ngoại tổ chức tại nam California thượng tuần tháng 3 vừa qua, điều ai cũng nhận ra, đó là thái độ bất bình của công luận trong và ngoài tập thể giáo khi thấy thái độ thụ dộng của giáo quyền trong nước.

Bài viết mang tiêu đề "Có Thánh Mới Biết" của Hoàng Giang trên DĐGD số này cũng phản ảnh phần nào cách nhìn của đám đông đối với một cây bút đơn lẻ, lạc điệu trong cộng đồng người Việt ở nam California, mà người ta không hiểu động lực nào đã thúc đẩy đương sự luôn tìm mọi cơ hội để đánh phá cao trào đấu tranh cho tự do, dân chủ, bao gồm tự do tôn giáo trên dất nước Việt nam hôm nay, nhất là những lời lẽ rắn độc thường được cây bút này trút lên linh mục Nguyễn Văn Lý, không phải bây giờ mà ngay từ khi người mục tử này vừa tái phát động cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài cộng sản để bảo vệ tự do tôn giáo và quyền làm ngườI Việt Nam cách đây 6 năm.

Cuộc tra vấn lương tâm trong Mùa Chay Thánh nhằm tìm hiểu ý nghĩa đích thực của đức Bác Ái và cung cách hành sử nhân đức này trong đời sống đức tin của người tín hữu Công giáo xuyên qua bài viết của Trần Phong Vũ cũng là những gì quý độc giả không thể bỏ qua trên nguyệt san Diển Đàn Giáo Dân số này.

DIỄN ĐÀN GIÁO DÂN