Dương Thu Hương và Con Rối Hồ Chí Minh

Minh Võ

Đài Tiếng Nói VN Hải Ngoại vừa phỏng vấn tôi về nhà văn nữ Dương Thu Hương nhân bài tiểu luận của bà xuất hiện vào đầu tháng sáu vừa qua tại hải ngoại. (bài phỏng vấn phát thanh tối chủ nhật, 13- 6- 04). Nhà báo Lê Hồng Long muốn biết tôi xếp cây bút “cứng cựa” này vào loại nào? Thực sự chống cộng hay cũng chỉ̀ chống bọn cầm quyền tham nhũng hiện nay? Ông dẫn chứng một nhà văn nữ khá́ nổi tiếng tại hải ngoại là bà Bùi Bích Hà, cho rằng DTH tựu trung vẫn bênh cộng sản. Ông cũng nhắc lại câu DTH viết cách nay gần chục năm rằng “Tôi không từ bỏ chế độ CS để chạy sang hàng ngũ những người chống cộng.” để hỏi có phải đó là bằng chứng bà ta không chống cộng không?

 

Ở đây tôi không nhắc lại tất cả những gì đã nói trong cuộc phỏng vấn dài một tiếng đồng hồ, mà chỉ muốn nhân dịp này khai triển thêm vài điểm khá lý thú trong bài tiểu luận của DTH. Bạn đọc có thể coi đây như bằng chứng rõ ràng nhất về thái độ của người viết đối với lập trường của nhà văn nữ nổi tiếng này, nổi tiếng chẳng những trong nước, tại cộng đồng người Việt hải ngoại, mà cả trên văn đàn quốc tế, là điều khiến nhà cầm quyền Hà- nội không dám động đến bà mặc dù bị bà mắng nhiếc thậm tệ không còn từ ngữ nào mạnh hơn, chứ không phải vì là cò mồi. Về các mặt khác, thì tôi đã trình bày trong chương 8, cuốn “Phản Tỉnh Phản Kháng, Thực Hay Hư” (từ trang 149 đến trang 178, ấn bản lần thứ 2, tháng 3 năm 2004).

 

Bài tiểu luận gần 10 trang đánh máy bàn về hai chủ điểm: một là việc bắt giam hàng loạt những người đấu tranh cho dân chủ tự do và vụ án Phạm Quế dương với tội danh “gián điệp”. Hai là cuộc “kháng chiến thần thánh”.

 

Tác giả khẳng định vụ án xử Phạm Quế Dương “bộc lộ tính tàn ác, phi lý một cách trắng trợn và ngạo ngược.” của nhà cầm quyền CS. Và giải thích sở dĩ họ dám làm như thế là vì họ tin tuyệt đối ở sức mạnh của họ dựa trên nòng súng và sự sợ hãi thâm căn cố đế của người dân. (Bà dùng hai từ Pháp peur viscerale để diễn tả sự sợ hãi này. Viscerale gốc La ngữ có nghĩa thuộc về ruột, nghĩa là sự sợ hãi đã đến độ thấm vào ruột gan, xương tủy, thành gần như bản tính tự nhiên.) Họ cũng tin tuyệt đối vào sự bất khả và sự mong manh của phong trào dân chủ!...

 

Một trong những lý do khiến phong trào dân chủ không mạnh lên được, theo DTH chính là sự tê liệt ý chí sau mấy chục năm chiến tranh và sự cai trị hà khắc, chuyên quyền của một chế độ áp chế theo công thức Lênin. Và nhất là vì mặc cảm hàm ân đối với đảng CS đã đánh thắng hai cường quốc.

 

Vì điểm này nên có phần 2 trong bài tiểu luận bàn về cái gọi là cuộc kháng chiến thần thánh. Theo bà, chỉ có cuộc kháng chiến chống Pháp (1946- 1954) thực sự là cuộc kháng chiến thần thánh. Còn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một cuộc chiến ngu xuẩn nhất trong lịch sử, trong đó dân tộc VN đã bị xẻ đôi để đi làm lính đánh thuê cho ngoại bang.

 

Nhiều người đọc bài tiểu luận nghĩ rằng DTH vẫn còn kính nể “bác Hồ” và biết ơn đảng cộng sản đã lãnh đạo cuộc kháng chiến “thần thánh” dành độc lập cho tổ quốc, rằng bà ta chỉ lên án cuộc “chiến chống Mỹ cứu nước” mà thôi. Hơn nữa còn gọi đó là cuộc chiến ngu xuẩn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên lại kết tội cả hai phía là đánh thuê cho những thế lực bên ngoài, một bên là Trung Cộng và một bên là Mỹ. Về điểm này, có lẽ cũng giống như một vài nhà văn nhà báo ngườ̀i Việt quốc gia hải ngoại, cũng cho rằng cuộc chiến tranh VN là cuộc chiến tranh ý thức hệ, giữa một bên là cộng sản, một bên là tư bản, mặc nhiên ghép dân tộc VN, bên này cũng như bên kia vào thế chẳng đặng đừng, phải xếp hàng theo phía này hay phía kia. Lý do của sự ngộ nhận ấy là vì không thấu hiểu được thực chất của cuộc chiến, một  cuộc chiến tranh ý thức hệ do Cộng sản chủ xướng nhằm truyền bá chủ nghĩa cộng sản, để cuối cùng đưa cộng sản lên nắm quyền độc tôn trên toàn thế giới, còn phía thế giới tự do, lãnh đạo bởi một số nước tư bản chỉ làm cộng việc tự vệ, hay chặn đứng tà thuyết cộng sản, chứ không phải vì một chủ nghĩa tư bản nào cả. Mà thực ra khi mà chủ nghĩa cộng sản công khai tấn công vào “quyền tư hữu” là quyền tự do thiêng liêng của con người, bằng bản tuyên ngôn cộng sản đầu năm 1848, thì trong tự điển chưa có danh từ “capitalism” (chủ nghĩa tư bản). Tự điểm nguyên tự (etymolological dictionary) của trường đại học Oxford ghi rõ từ capitalism xuất hiện đầu tiên năm 1854, trong tác phẩm của nhà văn nổi tiếng của Anh là William M. Thackeray (1811- 1863), nghĩa là 6 năm sau khi bản tuyên ngôn của CS ra đời, khi mà những người cộng sản đã sáng chế ra từ đó để vặch mặt đặt tên cho kẻ thù của CS. Chứ còn ngay như hai kinh tế gia người Anh từng đượ̣c coi như cha đẻ của kinh tế thị trường, tự do kinh doanh theo luật cung cầu và châm ngôn “Laissez Faire” là Adams Smith (1723- 1790)  và David Ricardo  (1772- 1823) cũng chưa từng dùng từ Capitalism.

 

Cho nên nếu DTH không hiểu thấu được nguồn gốc chiến tranh ý thức hệ mà coi dân tộc Việt Nam bên này cũng như bên kia đã bị lôi cuốn vào một cuộc huynh đệ tương tàn, thì cũng dễ hiểu, nhất là vì suốt đời sống trong chế độ cộng sản luôn bị bưng bít, không được nhìn ra thế giới bên ngoài.

 

Cũng vì lý do tương tự, DTH ca tụng cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến 1954 là cuộc chiến thần thánh, vì nó đã đánh thắng thực dân Pháp đem lại độc lập cho tổ quốc Việt Nam sau gần một thế kỷ ngoại thuộc. Tôi không nghĩ DTh không biết rằng năm 1949 tổng thống Pháp Vincent Auriol đã ký với quốc trưởng Bảo Đại trao trả độc lập cho VN (trong liên hiệp Pháp). Nhưng có lẽ do tuyên truyền nhồi sọ và bưng bít bà có thể không để ý rằng khoảng ba chục nước Á Phi đã dành được độc lập một cách khá dễ dàng (hoặc tốn rất ít xương máu) sau thế chiến thứ hai, do chính sách chống chủ nghĩa thực dân của chính quyền Mỹ lúc ấy. Như vậy thì cuộc chiến tranh chống Pháp do Việt Minh và đảng CS chủ xướng dưới sự điều khiển của Hồ Chí Minh có cần thiết không và xương máu của bao triệu người đổ ra có thực sự cần thiết không, để cuộc chiến tranh ấy đáng gọi là “thần thánh”?

 

Ở điểm này bà đã tỏ ra mâu thuẫn, khi vừa ca tụng công lao của “bác” và của đảng, vừa kịch liệt đả kích ban lãnh đạo của đảng này và gọi lịch sử VN hiện đại là trò hề. Dĩ nhiên, là nhà văn bà đã dùng những mỹ từ văn học để trùm lên cái thực chất ấy: “...tính sân khấu hài hước của cái được mệnh danh là lịch sử...” Lột bỏ chiếc áo diêm dúa và son phấn đó ra, lịch sử mà CS tô điểm theo DTH, đã lồ lộ là “trò hề” không hơn không kém.

 

Thêm vào đó, DTH còn viết “Về cuối đời, vị chủ tịch nước đã phải hành động như một con rối do những ngón tay giật dây của hai nhà nghệ sĩ họ Lê...”. Nếu “bác” đã có công lãnh đạo kháng chiến thành công đem lại độc lập cho tổ quốc và vinh quang cho đảng, thì tại sao về cuối đời lại bị chính đảng của ông bỏ rơi đến nỗi trở thành con rối trong tay đàn em? Đó là cái lố bịch khôi hài của lịch sử.  Lố kịch và kịch cỡm hơn nữa là cái con rối một thời đó ngày nay lại được dành cho một vị trí độc tôn, một thứ thần tượng bất khả xâm phạm của toàn đảng, “toàn dân”, nhất là càng ngày đảng càng đánh bóng cho pho tượng này, dùng đủ mọi mánh lới ngụy biện trắng trợn để bào chữa cho những lỗi lầm, thậm chí tội ác của ông Hồ, hầu cố dùng ông như tấm lá chắn chống đỡ tên đạn của dư luận trong nước và thế giới càng ngày càng nhìn rõ bộ mặt thật của “cha già dân tộc”. 

 

Việc ông Hồ trở thành con  rối của đàn em được DTH nhắc đến khiến tôi không thể không nêu lên sự kiện ông Hồ từng là con rối của Mác, của Mao nhất là củaLênin, trong sách lược và chiêu bài giải phóng dân tộc, để dùng đó như bước đầu đưa tới cướp chính quyền cho đảng, nhằm phục vụ đắc lực khối cộng. Đó là chưa nói đến những bằng chứng cụ thể mà tôi đã trưng dẫn trong cuốn HCM, nhận định tổng hợp, cho thấy HCM đã là con rối của những Manuilski và Hilaire Noulens... bắt đầu từ những năm 1923, 1924.

 

DTH không ngần ngại trưng dẫn tiếng dân quê gọi đảng Cộng sản là Cộng Đớp, và dân thành thị, tục tĩu hơn, gọi là Cộng Mút, để nói về sự tham nhũng triền miên hàng trăm tỷ...của những cán bộ cao cấp trong đảng. Bà bảo, Năm Cam đã vào tù, nhưng những Sáu Quít, Bảy Chanh, Tám Bòng (Bưởi).... vẫn còn ngự trị ở những tòa nhà nguy nga lộng lẫy....

 

Đọc qua hàng chữ thì phải hiểu DTH đã cố tình để lộ cái mâu thuẫn đó trong bài viết cho độc giả tinh ý hiểu rằng, cả bác lẫn đảng chỉ là những kẻ đem lại tai họa cho dân tộc, và cái gọi là lịch sử cứu quốc, kháng chiến thần thánh của dân tộc dưới sự lãnh đạo anh minh của bác và đảng chỉ là bịa đặt xuyên tạc một cách trắng trợn đến buồn cười. Y hệt một màn hài kịch kệch cỡm.

 

Theo tôi hiểu, sở dĩ DTH vẫn còn phải ca tụng cuộc kháng chiến chống Pháp là một cuộc kháng chiến thần thánh đem lại độc lập cho tổ quốc, và chưa dám nặng lời xúc phạm đến cá nhân ông Hồ, là vì tình hình hiện nay trong nước. Bà đã nói kỹ về những nguyên nhân khiến đảng còn tồn tại mạnh và phong trào đấu tranh cho dân chủ tự do còn non yếu và cô đơn. Đó là sự tê liệt của ý chí. Bạo lực triền miên, chết chóc của gần chục  triệu con người trong hai cuộc chiến kèm theo những biện pháp dã man, đàn áp mọi xu hướng trái ngược với ý muốn của đảng trong một thời gian dài đã làm cho tinh thần người dân kiệt quệ, không còn sức đề kháng. Thêm vào đó nòng súng và sự khiếp nhược đến độ thâm căn cố đế đã là hai cái bệ giữ cho đảng còn tồn tại. “Thôi thì cũng còn hơn là phải chết..!..” Đó là ý nghĩ tự an ủi và tự bào chữa cho sự khiếp nhược của mỗi người.

 

Ngoài ra còn mặc cảm hàm ân của hầu hết nhân dân đối với cái công lãnh đạo kháng chiến thành công, khiến mọi người không nỡ nặng lời với bác và đảng. Thôi, dầu sao các ông ấy cũng đã thắng Mỹ! Dĩ nhiên DTH đã thẳng thừng bác bỏ điều này. Bà đã mượn  lời của một nhà báo Pháp, Claude Allegre, để giải thích tại sao một nền độc tài sắt máu vẫn tồn tại ở Việt Nam mà không bị lên án như các chế độ của Khmer Đỏ, hay của Ceausescu. Vì tại đây một dân tộc anh dũng đã đánh thắng hai siêu cường!

 

DTH biết rõ đó là huyền thoại, hoang tưởng cần phá tan. Nói về “chiến thắng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước”, DTH đã mô tả Việt Nam ngày nay chỉ là một thực thể mơ hồ, trong đó nhào trộn máu của những kẻ bị đàn áp và vàng của kẻ thống trị..., sự ngạo mạn tàn ác của kẻ mạnh lẫn sự khiếp nhược hèn mọn của kẻ yếu, và tất thảy chìm đắm trong một thứ vinh quang lịch sử vừa mờ mịt khói sương huyền thoại vừa óng ánh trang kim của sân khấu tuồng chèo.”

 

Những cụm từ  “khói sương huyền thoại” và “sân khấu tuồng chèo” được dùng ở đây cho thấy tác giả cực lực đả kích những trò bịa đặt thêu dệt đến lố lăng những thành tích giả tưởng trong chiến tranh. Cho nên dù bà bất đắc dĩ phải gọi theo thói quen và lệnh trên trong nước đó là một cuộc chiến thần thánh. Nhưng trong thâm tâm bà đã phủ nhận nó rồi.

 

Phủ nhận chiến thắng, và dám mệnh danh Việt Nam như trên chẳng những là một tội đối với đảng và “bác” mà còn là một xúc phạm đối với lòng tự hào dân tộc. Cho nên ngay ở lời phi lộ, bà đã phải rào trước đón sau một cách thận trọng.

 

Tóm lại, nhìn một cách tổng quát, ngoài hai sự việc chưa dám động đến bác Hồ một cách minh thị, và gọi cuộc chiến chống Pháp là cuộc chiến thần thánh, những tĩnh từ mạnh mẽ tố cáo nhà cầm quyền cộng sản như “phi pháp, phi nhân, vừa tàn bạo, vừa đê tiện, bộc lộ tính tàn ác phi lý một cách trắng trợn, ngạo ngược...”, và những cách ví von “ăn mày dĩ vãng”, “làm tình với xác chết” để nói về cách thức đảng không ngừng nhắc lại chiến thắng để làm chiếc lá chắn, bức tường che chở chống đỡ sự phản kháng của phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ...đã chứng tỏ đầy đủ tinh thần chống cộng của tác giả. Không có gì đáng nghi ngờ.

 

Nhưng tại sao lại có câu nói do nhà báo Lê Hồng Long nêu lên trong bài phỏng vấn, và chúng tôi đã nhắc lại ở đầu bài viết này? Trước hết nên nhớ rằng câu này do DTH viết trong bài tự bạch gửi Thụy Khuê (ở bên Pháp) là người đề tựa cho cuốn “Khải Hoàn Môn” hay “Tiểu Thuyết Vô Đề”. Bài tự bạch viết trong tù. Và câu trên phải hiểu thế này: Tôi đã bỏ đảng CS (vì chính tôi đã dùng lá phiếu của mình để ra khỏi đảng, chứ không phải bị khai trừ); nhưng không phải bỏ nó để đi theo những người chống cộng (như Thuy Khuê lúc ấy). Có lẽ vì tôi chưa biết rõ hàng ngũ những người chống cộng có xứng đáng cho tôi theo không? Lãnh tụ họ có bản lãnh và thực tâm yêu nước không; tổ chức của họ có chặt chẽ và có kỷ luật không; phương pháp đấu tranh của họ có hợp với sự mong đợi của tôi không v.v... và vân vân...Vả lại tôi thích đấu tranh độic lập, với tư cách một nhà văn, hơn là cùng đứng chung với một đoàn thể “chống cộng” nào đó....

 

Câu nói này đã được bà Nguyễn Thị Kim Anh bút hiệu Nguyễn Việt Nữ trích dẫn trong sách của bà như một bằng chứng DTH không chống cộng, thậm chí không bỏ đảng. Nhưng theo người viết đó là sự ngộ nhận, vì không phân tích  kỹ mạch văn.

 

Hơn nữa, nếu đọc kỹ 2 tác phẩm chính của DTH là “Những Thiên Đườ̀ng Mù” và “Khải Hoàn Môn”, thì thấy bà đã mô tả một cách sinh động và thực tế những cuộc đấu tố tàn ác dã man, và lên án nó một cách mạnh mẽ.

 

Cũng trong tác phẩm này có những chỗ bà sỉ vả những thói hư tật xấu của các cán bộ đảng viên. Bà còn để cho một nhân vật trong chuyện (chàng lãng tử nào đó) nói về thói đạo đức giả của một tay phó giám đốc lúc nào cũng nói chuyện đạo đức, nhưng đã bị bắt gặp hiếp dâm gái vị thành niên trong nhà cầu. Những người biết rõ Hồ Chí Minh không thể không liên tưởng đến ông này.

 

Nếu không sẵn có ác cảm với chủ nghĩa cộng sản, mà Các Mác khai sinh, thì tác giả đã chẳng đặt vào miệng một nhân vật của mình những lới lăng nhục “vị thánh cả” này bằng cách nêu đích danh ông ta là tay chuyên xuống xóm nhà thổ chơi điếm và còn ngủ với đầy tớ đẻ ra một đứa con. Chuyện này là đại húy đối với đảng. Nhưng không rõ do đâu bà đã biết để thuật lại trong “Khải Hoàn Môn”.

 

Chính ngay trong bài tiểu luận DTH cũng viết: “Ai cũng biết tất thảy những nhà nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa đều xây dựng trên sức mạnh đàn áp theo công thức của Lênin”.

 

Nhiều độc giả có lẽ còn nhớ chính DTH khi mới vào đến Saigon, đã tuyên bố so với Hànội, thì cái chế độ ngoài đó đúng là một chế độ man rợ.

 

Vì những lý do trên, tôi nghĩ chúng ta không nên nghi ngờ thái độ phản kháng của DTH.

 

Trong bài tiểu luận, chỉ có một đoạn vắn nói về cuộc kháng chiến chống Pháp, tác giả đã khẳng định đó là một cuộc kháng chiến thần thánh do Hồ Chính Minh lãnh đạo toàn dân làm nên. Còn về cuộc “kháng chiến chống Mỹ cứu nước” thì tác giả bảo ông Hồ không chủ trương thế, nhưng vì thiểu số nên đành phải theo đa số. Hai sự việc này khiến nhiều người nghĩ DTH vẫn còn bênh ông Hồ.

 

Nhưng, như đã trình bày ở trên, xem ra tác giả đã cố tình tự mâu thuẫn, để độc giả tinh ý tìm hiểu. Hoặc giả nếu bà nói một cách thành thực, thì đó là sự lấn cấn, hoang mang của một người đang phải đánh vật với  cái phương trình chưa tìm ra  ẩn số.

 

Trường hợp này không phải cá biệt, mà là khá phổ biến trong hàng ngũ những người đang đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước.

 

Muốn cho phong trào phản tỉnh và đấu tranh này bùng lên, thiết tưởng cần giúp cho dư luận trong nước hiểu rõ thêm về nguồn gốc và tính xác thực của cuộc chiến, cũng như vai trò của ông Hồ và đảng CS, bằng những chứng liệu xác thực không thể chối cãi, hơn là chỉ nhằm thóa mạ cho hả giận cái chế độ thối nát và tàn ác này.

 

Khi mà mặc cảm hàm ân (về chiến thắng dành độc lập), và sự  thiếu hiểu biết, sự khiếp nhược, nỗi sợ thâm căn cố đế đã bị đánh tan rồi thì người dân mới sẵn sàng xả thân gia nhập phong trào và hàng ngũ những người đấu tranh cho dân chủ và tự do.

 

Thiết tưởng, muốn cho có thêm nhiều DTH và những DTH không còn lấn cấn trong sự phán xét và xử lý đảng và Con Rối Hồ Chí Minh, thiết tưởng tập thể người Việt quốc gia hải ngoại cần khuyến khích, yểm trợ, và cung cấp thêm tư liệu để họ đánh giá đúng mức về cuộc chiến, hơn là nghi ngờ và chỉ trích họ. ·

Trở lại Trang Nhà: